Giới trẻ rất nhanh chóng "đố tiền" bố mẹ để thành những người ăn chơi sành điệu. (Ảnh minh họa)
Chưa học bài đã thạo lô đề
Mới chập chững lên Hà Nội được một tuần, nhưng Hùng, sinh viên năm thứ nhất ĐH KTQD đã bắt đầu làm quen với cuộc sống của một sinh viên “biết chơi”. Chưa đến ngày khai giảng, những ngày này Hùng mới tập trung và đến làm một vài thủ tục ở trường, thế nhưng ngay tại phòng trọ, Hùng đã được đám bạn thường xuyên ra ngồi hút thuốc ở quán trà đá và bàn chuyện lô đề.
Thấy hứng thú, Hùng đánh ít, mỗi ngày chỉ 10.000-15.000 đồng, xem như chơi vui, trúng thì trúng không trúng thì thôi. Rồi sau một vài lần "trúng quả", thấy cơ hội không phải quá xa vời, Hùng đánh lên tiền trăm. Thế là, một tuần đầu tiên của cậu sinh viên đã tiêu tiền triệu, con số mà trước đây chưa bao giờ cậu nghĩ là mình có thể sở hữu và “xài” nhanh như thế.
“Sống kiếu như thế rồi không làm chủ được mình, bạn ấy sẽ sa vào con đường chơi bời, nợ nần chồng chất cho xem”, Huyền, sinh viên trường ĐH Quốc Gia Hà Nội nhận xét.
Theo “kinh nghiệm” của các cựu sinh viên, ý chí trong những ngày đầu mới nhập học rất quan trọng, bởi một khi đã lao vào rồi thì khó mà thoát ra được, ban đầu có thể chỉ vài chục nghìn đồng nhưng dần dần số tiền sẽ tăng lên, đặc biệt là ở những thời điểm các giải bóng đá lớn diễn ra thì dù có là con nhà đại gia thì sinh viên cũng trở thành con nợ.
Thanh Hùng, sinh viên năm 2 trường ĐH Giao Thông Hà Nội "thú tội": "Cách đây 2 năm em cũng là một cậu thanh niên ở quê lên Hà Nội học, hồi đó nhiều bỡ ngỡ lắm, cái gì cũng lạ, cũng hấp dẫn. Rồi sau bữa tối, em thường cùng các anh xóm trọ ra quán trà đá ngồi uống nước, và ở đó thì toàn chuyện lô đề, cá độ. Thế là thôi, một mùa bóng C1 năm sinh viên thứ nhất, em đi đứt xe máy, máy tính, điện thoại và đến hết năm học thì nợ lên tới 50 triệu đồng.
Lúc điện về xin tiền, bố mẹ em choáng váng và “nổi điên” lên, nhưng rồi cũng đành phải bỏ tiền ra cho con “thoát thân”, sau vụ đó thì bố mẹ bắt em bảo lưu kết quả một năm, ở nhà “rèn thân” rồi năm nay mới cho đi học trở lại. Nghĩ thì thời gian qua thật ngán ngẩm, nhưng ở nhà nhìn bố mẹ lam lũ kiếm tiền em cũng thấm thía, chắc năm nay “cai” tuyệt đối mấy “món” đỏ đen kia”.
Nhanh chóng lột vỏ “nhà quê”
Đã lên thành phố thì phải thay đổi bản thân để không bị chê, và cũng chẳng thua kém các bạn trong lớp. Thế là nhiều cô gái, chàng trai nhanh chóng “thay da đổi thịt” mà đến bạn bè cũ còn choáng váng.
Mặc dù trước ngày về Hà Nội nhập học Hoàng Linh (sinh viên năm 1 ĐH Ngoại thương Hà Nội) đã được mẹ đưa đi mua sắm rất nhiều quần áo, giày dép, nhưng khi lên Thủ Đô, nhìn thấy bạn bè sành điệu với tóc xoăn, váy ngắn, … Linh cũng quyết định không thể để mình bị chìm nghỉm giữa người thành phố.
Được cô bạn mới người Hà Nội dẫn đi, chỉ trong một buổi chiều tân sinh viên đã tiêu hết 2 triệu chỉ với 3 chiếc váy và một túi xách. “Chừng này chưa là gì cả, em vừa gọi điện về nhà để bố mẹ ứng cứu, gì chứ tiền để con gái làm đẹp thì mẹ em không từ chối đâu”, Linh cho biết.
Có lẽ bố mẹ sẽ phải chu cấp thêm khá nhiều, bởi dự tính của cô nàng không chỉ là quần áo, giầy dép, phụ trang mà còn phải mua mỹ phẩm để trang điểm cho đẹp thêm. “Chắc phải thêm mấy triệu nữa em mới thay đổi phong cách được, nhưng trước hết là phải đi cắt tóc làm sao cho cá tính, rồi đi xem một hình thật độc ở lưng, thể nào "dân tình" cũng choáng”, Linh chia sẻ.
Trong khi đó, Nhật Mai, tân sinh viên trường ĐH Thương Mại lại đắm say với tình yêu sét đánh cùng anh chàng mới quen.
Từ một cô gái chăm chỉ học hành, ăn mặc giản dị, Mai “lột xác” sang một “dân chơi” thành thị chính hiệu. Cũng áo dây quần soóc, cũng ép nhuộm tóc vàng, cũng giày cao gót… Mai trở nên xinh xắn và cá tính hơn.
Tuy nhiên, cô bạn cùng phòng trọ với Mai chỉ biết lắc đầu ngao ngán khi Mai thường xuyên nghỉ học ở nhà ngủ để bù cho buổi tối đi chơi với người yêu: “Buổi sáng Mai ngủ cho đến 11-12h mới dậy, sau đó thì đi ăn trưa với người yêu, chiều ở nhà ngủ tiếp vì anh bận đi làm, đến tối thì vi vu, bát ngát đến khoảng 12h đêm mới về, có hôm còn không về, thay đổi cách sống đúng 180 độ luôn”.
“Em nghe mọi người bảo lên ĐH thì không cần học nhiều, chỉ đến khi sắp thi mới ôn tập thôi, còn thời gian này rảnh lắm, cứ chơi thoải mái. Em cũng nghĩ thế nên chẳng có gì phải lo lắng cả, yêu đâu phải cái tội”, Mai hồn nhiên bộc bạch.
Có lẽ, trước mắt thì Mai vẫn còn thoải mái với cuộc sống của mình, nhưng đã có rất nhiều cô gái ngoại tỉnh lên thành phố và có quan điểm như Mai đã nhanh chóng trượt dốc, chỉ vì thất tình, vì đua đòi, hoặc vì mải chơi....
Do đó, việc trở thành sinh viên, đi học xa nhà và nhập cuộc với một môi trường hoàn toàn mới, chính lúc này, bản lĩnh của mỗi người sẽ quyết định họ có bị trượt ngã bởi những cám dỗ hay không.
theo Zing