Polaroid



Học sinh ngày nay phát triển rất sớm so với học sinh cùng tuổi trước đây. Ảnh: T.D.



"Khổ ghê, nó chẳng biết gì cả, chỉ bao nhiêu lần nhưng cứ lúng ta lúng túng, vụng về lắm. Mình mà không giúp nó là mọi thứ rối tung hết. Có hôm chở đến cổng trường nó kêu lên "mẹ ơi ra hết rồi làm sao bây giờ" rồi đứng loay hoay với cái quần ướt sũng làm tôi phát ngượng. Từ khi biết con đã thành người lớn tôi lại thêm một nỗi lo vì không phải lúc nào mình cũng có thể kiếm soát hết được con. Sơ xảy ra có chuyện gì thì khổ", chị Nga nói với vẻ e ngại.



Chị Hoàng Yến có con học lớp 7 trường Nguyễn Du TP HCM cho biết con gái đầu của chị cũng xuất hiện kinh nguyệt khá sớm từ khi mới 10 tuổi. Khi phát hiện ra cô bé cũng hốt hoảng và chị phải "lên lớp" cho cô bé một thời gian dài. Mới vào lớp 5 nhưng người cô bé đã phổng phao cao to gần bằng mẹ. "Mỗi lần chở con đi học, trèo lên trên xe là tôi cứ chao đảo. Có lần không chuẩn bị trước hai mẹ con suýt té", chị Yến vui vẻ nói.



Nói về "nỗi vất vả" khi con gái bước vào tuổi dậy sớm, trên diễn đàn một người mẹ cho biết, chị đã phải làm "công tác tư tưởng" để con khỏi hoảng hốt. Và sau khi "thụ giáo" bài học về giới tính của mẹ, cô bé tuyên bố một câu rất oai hùng: "Thôi từ giờ con không đến gần bố và em Cún nữa!", mặc dù em Cún của nó mới lên 3.



Một người mẹ khác chia sẻ: "Bố đưa đi chơi, đang chỗ ngã tư đèn đỏ, nó bô bô: "Bố ơi, cái băng vệ sinh dày hết rồi đấy, chỉ còn cái mỏng thôi". Bố nó ngượng quá, quay lại bảo: "Con nói nhỏ thôi chứ, tí đi về bảo mẹ mua. Nó thản nhiên nói to như cũ: “Con bảo rồi nhưng mẹ hay quên lắm, tốt nhất là bố mua luôn đi. À mà lần trước mẹ mua cái gì xì tin lắm đấy nhé!". Lần khác, đang "bị" mà cô bé nhảy tùm ngay xuống bể bơi.



Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ chuyên khoa nhi Đinh Thế Quán cho biết thông thường ngày xưa thì "gái thập tam, nam thập lục" tức gái 13 tuổi, nam 16 tuổi mới bước vào tuổi dậy thì. Nhưng hiện nay do nhiều yếu tố tác động nên khả năng có con và tuổi sinh sản kéo dài hơn so với trước kia. Đối với trẻ em dưới 8 tuổi mà có kinh nguyệt thì mới cho là sớm còn đối với những em 9 - 10 tuổi trở lên là hiện tượng bình thường, không có gì đáng lo ngại.




Nói về những nguyên nhân kiến trẻ ngày nay dậy thì sớm, bác sĩ Quán cho rằng ngày nay xã hội phát triển mạnh, đời sống vật chất được nâng cao, trẻ được ăn uống đầy đủ chất làm cho các cơ quan trong cơ thể sớm phát triển đầy đủ. Hơn nữa những thực phẩm như thịt cá ngày nay do được nuôi bằng nhiều các thức ăn có chất kích thích nên ít nhiều cũng ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ. Đời sống văn hóa phát triển mạnh với nhiều phương tiện nghe nhìn, trẻ tiếp xúc với những hình ảnh kích dục trên Internet, TV...cũng là một nguyên nhân quan trọng.



Ở độ tuổi này các em có nhiều thay đổi tâm lý, có nhu cầu tìm hiểu và đòi hỏi về sinh lý rất sớm nhưng lại chưa có ý thức bảo vệ mình. Do chưa được giáo dục đến nơi đến chốn nên dễ xảy ra những chuyện đáng tiếc ở độ tuổi này. Những bậc làm cha làm mẹ phải hết sức cẩn thận. Không sợ "vạch đường cho hươu chạy" mà nên chủ động giáo dục cho con về vệ sinh cũng như quan hệ nam nữ.



Theo như ông Quán: "chính những học sinh cơ sở lại bị lạm dụng quan hệ tình dục sớm hơn đối với học sinh THPT vì các em chưa hiểu được hậu quả của quan hệ tình dục sớm. Tuy cơ thể đã phát triển sớm nhưng suy nghĩ của các em còn quá ngây thơ nên rất dễ bị dụ dỗ".

theo VnExpress